Ngày 24/01/2022, tại thành phố Phan Thiết, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận đã tổ chức “Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng Bình Thuận năm 2022”. Tham dự Hội nghị có đồng chí Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đồng chí Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, đồng chí Trần Nguyên Lộc - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng Nhân dân tỉnh, đại diện Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; các Sở, ban, ngành; các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề trong tỉnh và đại diện lãnh đạo của 49 TCTD trên địa bàn.
Hội nghị đã nghe và thống nhất cao với đánh giá kết quả hoạt động ngân hàng Bình Thuận năm 2021, trong đó nổi bật là đã tập trung triển khai thực hiện “mục tiêu kép” của Ngành, vừa phòng, chống dịch vừa thực hiện kịp thời các giải pháp tín dụng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn nợ; xem xét miễn giảm lãi, phí; cho vay mới…, mở rộng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch; vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên gắn với việc triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; công tác thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, thanh toán chuyển tiền điện tử tiếp tục được đẩy mạnh; công tác quản lý vàng, ngoại hối tiếp tục được thực hiện tốt, diễn biến thị trường theo hướng ổn định; công tác thanh tra, giám sát được chú trọng, việc cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu tiếp tục được quan tâm triển khai, đảm bảo hệ thống ngân hàng nói chung và hệ thống QTDND nói riêng phát triển an toàn, không để xảy ra các vụ việc gây mất an ninh trật tự trên địa bàn; công tác cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế đảm bảo không bị gián đoạn trong điều kiện diễn biến dịch phức tạp.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã biểu dương những thành tích đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng trên địa bàn cho sự phát triển KTXH của Tỉnh trong năm 2021 và khẳng định: “Ngành Ngân hàng có vai trò rất quan trọng, là tiền đề thiết yếu và đòn bẩy để góp phần phục hồi nhanh nền kinh tế với trạng thái đang yếu dần, thậm chí một số ngành, một số lĩnh vực không còn đủ sức chịu đựng trước hậu quả rất lớn của đợt dịch COVID-19 vừa qua”, đồng thời thống nhất cao với các nhiệm vụ, giải pháp của ngành Ngân hàng Bình Thuận năm 2022. Với mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh”, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong năm 2022, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện: (1) Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - Doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn ngân hàng; trong đó tập trung vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và phục hồi các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; (2) Tiếp tục triển khai thực hiện triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động được vay vốn tại để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; (3) Tiếp tục cho vay Chương trình bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán; tăng cường quản lý, giám sát, tổ chức đảm bảo hệ thống ATM, POS hoạt động thông suốt, an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết; (4) Quản lý tốt hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân, đồng thời có giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh hoạt động của hệ thống này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 13/3/2019 và chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 02/10/2018; (5) Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện tốt các Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án thanh toán không dùng tiền mặt của giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn; (5) Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phòng, chống ngăn ngừa vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng; (6) Thường xuyên tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Để góp phần thực hiện tốt nhiệm của Ngành gắn với phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương, Giám đốc NHNN tỉnh đã kết luận, chỉ đạo các đơn vị trong Ngành cần bám sát các nhiệm vụ đã thống nhất và ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh để triển khai thực hiện cho phù hợp với đặc điểm đơn vị mình, trong đó cần lưu ý một số nội dung sau: (1) Tranh thủ sự hỗ trợ của Hội sở chính về vốn, công nghệ để phát triển dịch vụ và mạng lưới phòng giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng; (2) Tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay bằng các biện pháp khả thi, thiết thực như cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận... theo chỉ đạo của Hội sở chính. Ưu tiên hỗ trợ các DNNVV, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh tốt; (3) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Đ/c Phan Văn Đăng, PCT UBND tỉnh Bình Thuận phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị